Bài Kinh Này Đáng Đem Tụng Đọc Mỗi Ngày

- Cái gì mà dẫn Đạo (dẫn đầu) thế giới?
- Đức Phật dạy, chính Tâm Thức, lòng người quyết định tất cả.
- Thế nào là người học nhiều?
- Đức Phật dạy rằng, dù chỉ học thuộc một câu kệ ngắn, nhưng hiểu nghĩa và hành trì rốt ráo thì cũng đáng gọi là người học nhiều trong Giáo Pháp của Ngài.
- Thí dụ như Ngài nói: “Ai sống một trăm năm không thấy pháp sanh diệt, không bằng sống một ngày mà thấy được pháp sanh diệt.”
Nếu câu này mà được hiểu thấu đáo thì phải nói rằng đó là toàn bộ Phật Pháp. - Pháp sanh diệt bao gồm tất cả các điều Thiện, Ác, Buồn, Vui, danh lợi, thị phi, người này, cõi kia,… tất cả những gì mình suy nghĩ, tưởng tượng, những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, tất cả đều là Vô thường.
- Từng giây phút trong đi, đứng, nằm, ngồi, cần biết rõ rằng thân này là Vô thường, tâm thiện, tâm ác, tâm vui đều là Vô thường. Đây là vô thường thì người chung quanh cũng vô thường, mọi người vô thường thì thế giới vô thường, và vô lượng vũ trụ cũng đều là Vô thường.
- Do đó, chỉ cần hiểu một câu mà hiểu tận cùng, rồi hành trì tận cùng thì cũng đáng được gọi là người học nhiều.
- Thế nào là Trí Chứng Ngộ?
- Ai tu hành cũng mong chứng cái này cái kia, nhưng họ không biết chứng cái gì. Đầu môi chót lưỡi của nhiều người đi chùa là mong cho mình thành Thánh, chứng cái này, đắc cái kia, mà hỏi đắc cái gì thì họ không trả lời được.
- Bởi vì họ không hiểu gì, chỉ bắt chước mà nói.
- Ở đây, Đức Phật dạy rằng, Trí Chứng Ngộ là: ▪︎ Nhận thức rằng mọi sự là khổ.
▪︎ Thấy rằng mọi đam mê đều ở trong khổ và là gốc của khổ.
▪︎ Khi hết tham, hết thích thì sẽ hết khổ.
Sống trong ba nhận thức này là con đường thoát khổ. - Nói ngắn gọn, đó là Trí Chứng Ngộ về Tứ Diệu Đế.
- Khổ đế bao gồm cả điều mình thích và điều mình ghét. Khi gặp điều ghét, mình đi tìm điều thích, nhưng khi tìm điều thích thì vô tình mình cũng đang gieo nhân cho điều ghét, bởi vì thích và ghét là một cặp.
- Khi bạn thích cái gì, thì sẽ ghét cái gì ngược lại. Ví dụ như thích mát mẻ, thì ghét nóng nực; thích sạch sẽ, thì ghét bẩn; thích sáng sủa, thì ghét tối tăm. Đây chính là Trí Chứng Ngộ về Tứ Diệu Đế.
- Thế nào là bậc Đại Hiền Đại Trí?
- Đức Phật dạy đó là người có Tam Nghiệp, nghĩa là một người làm, nói, nghĩ lợi mình, lợi người, lợi toàn thế giới.
- Bài kinh này vừa vấn đáp, nhưng cũng đáng được tụng đọc mỗi ngày. Tôi phải nói rằng kinh nào cũng nên tụng đọc mỗi ngày, nhưng có những kinh gói gọn nội dung Giáo lý thì càng nên tụng đọc, bởi có nhiều kinh chỉ nhấn mạnh vào một khía cạnh Giáo lý mà thôi.
- Cần nhớ rằng trong kinh điển có hai dạng Pháp thoại:
▪︎ Thứ nhất, chiết báng, tức là nội dung chỉ tập trung vào một vài vấn đề Giáo lý.
▪︎ Thứ hai, hàm tận, tức là nội dung bao quát toàn bộ Giáo lý. - Ví dụ Ngài giảng về hạnh Tri túc hoặc Pháp Nhẫn nại thì đó gọi là chiết báng. Còn như nội dung chúng ta vừa học có nghĩa là không bỏ sót điều gì cả, đó là hàm tận.
— Sư Giác Nguyên