Ly thân ác pháp, đính hôn thiện pháp.

Sáng nay, tôi làm việc với bài kinh Am Tranh. Thời Đức Phật, chuyện chư thiên đến hầu Ngài rất thường xuyên. Có một vị khuất mặt tìm đến Đức Phật để hỏi đạo. Trước hết, vị này đọc một bài kệ, mà nếu đã học đạo, chúng ta có thể đoán được ý nghĩa, nhưng người không học đạo sẽ thấy bài kệ kỳ lạ, bởi vị ấy và Đức Phật hiểu rõ ý nhau. Giữa những người có thần thông, họ nói chuyện như vậy, giống như những người đánh cờ tướng bằng miệng, không cần bàn cờ:
“Ngài không có am tranh,
Ngài không có tổ ấm,
Ngài không có dây giăng,
Ngài thoát khỏi hệ phược.”
Chữ “dây giăng” trong bản Pāḷi là “santānakā”, một từ có rất nhiều nghĩa. Tôi không hiểu vì sao Hòa Thượng Minh Châu dịch là “dây giăng.” Trong Pāḷi, “santānakā” mang ý nghĩa “sự nối dõi,” “sự tiếp nối” từ đời này sang đời khác, hay cả “rễ phụ.” Nếu ai hỏi tôi chọn 10 từ quan trọng nhất trong Phật pháp để người Phật tử học thuộc, thì chắc chắn “Santāna” phải nằm trong danh sách ấy. Đây là một từ cực kỳ quan trọng, bởi đối với người không phải Phật tử, họ thường có hai cách nhìn về bản thân:
- Đoạn kiến: Chết là hết. Kiếp trước không có, kiếp sau không có. Do điều kiện ngẫu nhiên đặc biệt, tôi xuất hiện trong đời này, rồi xong là hết. Người chết thì mọi chuyện cũng chấm dứt.
- Thường kiến: Không rõ từ đâu đến, nhưng tin rằng tôi đi vất vưởng từ đời này sang kiếp khác. Thân này mất thì “vong hồn” tôi tiếp tục trôi dạt mãi mãi trong nhân gian.
Người Ấn Độ ngày xưa tin rằng khi chết, có lúc làm trùng, làm dế, làm trâu, làm bò. Nếu tu hành thì trở thành người; khi công đức đầy đủ sẽ hợp nhất với Phạm Thiên chí tôn trên cõi Phạm Thiên. Mỗi người được coi là một mảnh vụn của Đại Ngã Phạm Thiên. Khi thu gom đủ công đức, mảnh vụn ấy sẽ quay về nguồn cội nhanh hơn, còn không tu hành thì trôi dạt hết từ đời này sang đời khác. Đó là quan điểm của Bà-la-môn giáo thời xưa. Ngày nay, nhiều người theo các đạo khác như đạo ông bà, khí công, yoga… cũng có nhận thức tương tự, rằng chết đời này sẽ tái sinh đời khác.
Phật giáo Nguyên Thủy (PGNT) khẳng định rằng điều này tuyệt đối không có. Không có cái gì đi từ đời này sang kiếp khác, mà chỉ có nhân tạo ra quả. Trong quả, nếu có tu tập, ta có thể chấm dứt sinh tử. Nếu không, nhân sinh tử tiếp tục tạo ra quả sinh tử. Ví dụ: do nhân sinh tử, tôi có tham, si, tâm thiện hay tâm thiền. Khi tôi tác động vào những tâm đó, trong luân hồi sẽ có lúc thiện, lúc ác. Lúc thiện trổ, tôi sanh làm người, đó là quả của tâm thiện. Nhưng trước khi thành người, tôi đã trải qua vô số điều thiện, điều ác, đủ duyên thì quả trổ.
Chẳng hạn, tôi là người đàn ông Việt Nam tên Lê Văn Tèo. Nhờ phước A1, tôi được mang thân người làm đàn ông. Nhờ phước A2, tôi sinh vào gia đình giàu có, thông minh, học giỏi. Nhưng vì nghiệp A3, tôi bệnh hoạn, học xong tiến sĩ năm hơn 30 tuổi thì chết yểu. Trong đời sống ấy, do phước nào đó, tôi thành công trong danh lợi, quyền hành. Nhưng nghiệp khác khiến tôi hay bị hiểu lầm. Một kiếp sống là cơ hội lớn để nhiều ác nghiệp và thiện nghiệp trổ quả. Nghiệp nhẹ (nghiệp bình dân) có thể là bệnh tật, tai nạn. Nghiệp nặng có thể gây mất mạng, chuyển sang kiếp sống khác.
Hãy nhớ: Lê Văn Tèo hiện tại không phải là một người ở kiếp trước nào đó, mà chỉ là kết quả của kiếp trước. Nhân không phải quả, và quả không phải nhân. Nhân là cái tạo ra quả, và quả là sản phẩm của nhân, chứ không phải chính nhân. Không bao giờ có một cái gì đi từ đời này sang kiếp khác. Mọi thứ diễn ra theo lực đẩy: nhân tạo ra quả, quả tạo ra nhân khác. Quá trình kết nối này gọi là “Santāna.”
Chữ “kuṭikā” được Hòa Thượng Minh Châu dịch là “am tranh,” nhưng thật ra, “kuṭikā” nghĩa là túp lều nhỏ, hay nhà tạm (hut). “Am tranh” nghe sang nhưng nghĩa hơi hẹp. Trong bài kinh, “kuṭikā” ám chỉ bào thai – nơi đầu tiên mỗi người trú ngụ khi đến đời này.
Chữ “kulāvakā” dịch là “tổ ấm,” gốc nghĩa là “tổ chim” (nest). Tổ ấm nghe rất hay, nhưng không phải tổ nào cũng ấm, nhất là khi “tổ” có cô vợ “tào lao.”
Vị thiên này nói: Đức Phật không có gì – không am tranh, tổ ấm, dây giăng, hệ phược. Đức Phật xác nhận đúng, và vị thiên hỏi lại:
- “Am là gì? Tổ ấm là gì? Dây giăng là gì? Hệ phược là gì?”
Đức Phật trả lời:
- “Am là mẹ.
- Tổ ấm là vợ.
- Dây giăng là con.
- Hệ phược là ái.”
Theo chú giải:
- Am tranh (túp lều) là mẹ, vì trước khi đi vào đời, bào thai là nơi trú đầu tiên.
- Tổ chim là vợ, vì sau khi lớn lên, mỗi người bôn ba kiếm ăn rồi quay về nhà với vợ, giống như chim về tổ.
- Sự nối dõi là con, vì con cái là hình ảnh trung thực, phản ánh của chính mình, là phiên bản của mình.
Tham ái ràng buộc ba thứ này lại với nhau. Một vị A-la-hán, trước khi chứng đạo, cũng có mẹ, vợ, con. Nhưng sau khi chứng đạo, vị ấy nhìn ba thứ này như những chúng sinh khác, dù vẫn giữ trách nhiệm xã hội.
Đối với ác pháp, nếu chưa ly dị được thì phải ly thân. Đối với thiện pháp, nếu chưa kết hôn thì hãy đính hôn trước. Nếu vẫn còn “cái am,” “cái chòi,” hãy làm tròn trách nhiệm, nhưng cũng chuẩn bị đời sống tâm lý, thường tâm niệm: “Tôi sẽ làm chuyện đó,” để điều mong muốn trở thành hiện thực. Nếu duyên không đủ mà chết, hãy ra đi với tâm trạng như người đã xuất gia, đã tu thiền tâm lý – điều đó quý hơn xuất gia hay tu thiền hình thức.