Tỷ kheo Ni trong Tăng Đoàn Thời Đức Phật
Sau mùa an cư thứ năm tại Vesāli, Đức Phật cho phép Di mẫu Gotami cùng 500 người nữ dòng họ Sākiya và Koliya xuất gia. Bát kỉnh pháp là giới điều đầu tiên của các Tỳ-kheo-ni.
Y như lời Đức Phật chỉ dạy là người nữ cũng có khả năng thành tựu Tứ thánh quả, khoảng thời gian không lâu sau khi xuất gia, Di mẫu Gotami chứng A-la-hán, được Phật xác nhận là vị đệ nhất kinh nghiệm trong số các Trưởng lão Ni.
Di mẫu là vị thầy có thể làm lễ xuất gia, dạy bảo và trông nom Ni chúng. Tại Vesāli, trong khu vực tinh xá của Đức Phật, vẫn còn di chỉ khu vực tinh xá Tỳ-kheo-ni. Sự hoạt động của giáo đoàn Ni một thời đem lại luồng gió mát cho người nữ, và có lẽ rằng chỉ trong hội chúng của Đức Phật mới có một hội chúng Ni an lạc giải thoát.
Dấu vết hoạt động của các Tỳ-kheo-ni được ghi lại nhiều nhất trong Trưởng lão Ni kệ. Theo Phật xuất gia, chấm dứt những đoạn đường trần ai lai khổ, ca lên bài vĩnh hằng, Di mẫu Gotami nói:
Trước ta sống là mẹ
Là con, là cha, anh
Là ông nội, ông ngoại,
Đời sống trước là vậy.
Không rõ biết như thật
Luân hồi, tìm không gặp
Nay ta thấy Thế Tôn
Thân này thân tối hậu,
Sanh tử được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Các vị Trưởng lão Ni chứng Thánh quả rất nhiều, chói sáng cả thế gian, nhưng chỉ có khoảng 73 vị để lại tiểu sử. Đây là con số trượng trưng, vì một vị Ni có thể có đến 500 đệ tử Ni đều chứng Thánh quả như ngài Patacara. Kinh A-hàm kể lại trường hợp Di mẫu Gotami đã dẫn 500 vị A-la-hán Ni đến xin Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn trước. Đó là vào khoảng mùa an cư thứ 43 (năm 547 trước TL) của Phật. Tại Vesāli, ngài đã cùng 500 thánh Ni thực hiện thần thông, bay lên hư không, đi xuyên qua đất, phóng lửa và nước từ hai bên thân… rồi nhập Niết-bàn. Dân chúng Vesāli mang hương hoa củi lửa trà-tỳ thân các vị, xá lợi của ngài Di mẫu được để trong bình và mang về trình Đức Phật. Phật nói với chúng hội: “Ma-ha Ba-xà-ba-đề là một bậc trượng phu, đã làm xong việc”. Tính ra, ngài thọ 117 tuổi, bậc lão Ni mở con đường sáng cho Ni giới, làm chỗ nương tựa thật sự cho trời người.
Chư Ni xuất gia trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Có vị sang cả quý phái như hoàng hậu Khema, công chúa Sundari Nanda, có nhiều vị ở trong hoàng tộc Licchavi, quý tộc Kosambi, triệu phú Sāvatthī. Cũng có người xuất thân làm kỹ nữ như Vimala, chỉ vì trong thời quá khứ, ngài cũng từng là Tỳ-kheo-ni, nhưng mắng một Tỳ-kheo-ni khác là “Đồ kỹ nữ”, mang quả báo cho đến đời này. Khi chứng Thánh quả, giải thoát hết nhân duyên tái sanh, và cũng hóa giải luôn kết quả bất thiện của một câu ác khẩu, Vimala nói:
Mọi khổ ách đoạn tận,
Cả cõi trời cõi người
Quăng bỏ mọi lậu hoặc,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
Giáo pháp của Đức Phật như dòng suối mát, đón nhận tất cả chúng sanh đến để thỏa mãn cơn khát, tẩy rửa bụi trần, không hề phân biệt. Vào mùa an cư thứ 28 (năm 562 trước TL) tại Kỳ Viên, Đức Phật đã hóa độ cho một cô gái tiện dân tên Prakrti (Bát-cát-đế). Nhờ sự hướng dẫn tận tâm của Trưởng lão Ni Khema, Prakrti tinh tấn tu tập và chứng đắc quả A-la-hán, thậm chí vượt qua ngài A-nan – người đã dẫn cô đến diện kiến Đức Phật. Khi hay tin này, vua Ba-tư-nặc đến hỏi Phật rằng phụ nữ thuộc dòng Bà-la-môn hay Sát-đế-lợi xuất gia có thể tạm chấp nhận, nhưng một cô gái Chiên-đà-la xuất gia lại làm ô uế hàng ngũ tu sĩ. Đáp lại, Đức Phật đưa ra một ví dụ: nếu có hai người, một thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, một thuộc Chiên-đà-la, cùng tắm trong một dòng nước, sau khi tắm sạch, lau khô và xức nước thơm, thì cả hai đều thanh tịnh như nhau.
Thái độ bình đẳng và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật cùng chư vị Trưởng lão Ni là tấm gương sáng ngời muôn đời. Từ đó đến nay, biết bao mùa an cư đã trôi qua, và mùa an cư vẫn luôn là cơ hội để tất cả Tăng, Ni, không phân biệt giai cấp hay xuất thân, cùng nhau tận hưởng hương vị giải thoát và an lạc.